Công ước Pháp Thanh 1887 cắt đất Tụ Long-Phấn Vũ-Bình Di cho Trung Hoa Tụ Long

Biên giới Việt Nam - Trung quốc thay đổi sau các công ước Pháp Thanh, làm Việt Nam mất dần vùng đất Tụ Long.Tổng Tụ Long thuộc Trung Quốc trong bản đồ Bắc Kỳ năm 1890.

Sau Chiến tranh Pháp-Thanh, Pháp hầu như làm chủ toàn bộ Bắc Kỳ, mặc dù theo hòa ước Quý Mùihòa ước Giáp Thân Pháp phải bảo hộ quyền lợi cho các xứ thuộc địa chiếm được từ Đại Nam (Điều 23 hòa ước Quý Mùi: " Nước Pháp cam kết từ đây sẽ bảo đảm sự hoàn toàn quyển vẹn về lãnh thổ của đất nước Đức vua,..."), nhưng muốn có được sự công nhận của nhà Thanh về cáí thực tế đô hộ An Nam này, Pháp đã đi tới ký kết Công ước Constans 1887 phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc.

Nhà Thanh trong vấn đề Bắc Kỳ, dù trước đó có đưa quân tham chiến nhưng sau Hòa ước Thiên Tân 1885 ở thế đứng ngoài mặc cả trục lợi. Đại diện nhà Thanh là Lý Hồng Chương phát biểu với Đô đốc Pháp Henri Rieunier trong hội đàm rằng: "Nước Pháp đã đạt được nhiều quyền lợi khi chiếm được Bắc Kỳ, một nước chư hầu của Trung Hoa 600 năm nay; việc này là nhờ trung gian của tôi. Nó đã gây cho tôi nhiều phiền phức; tôi nghĩ rằng một sự đền bồi dưới dạng nhượng vài vùng đất nhỏ trên vùng biên giới là cần thiết."[16]

Nội dung của Công ước Pháp Thanh 1887 có điều khoản Pháp đồng ý cắt 3/4 đất tổng Tụ Long gồm cả khoảng 4-5 xã trong 6 xã (là Tụ Long, Tụ Thành, Tụ Nghĩa, Tụ Mỹ, Tụ Hòa), cùng xã Bình Di và một phần xã Phấn Vũ thuộc tỉnh Hà Giang của Bắc Kỳ cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với diện tích khoảng 750km2. Hoạch định lại đoạn biên giới Bắc Kỳ-Trung Hoa, từ Câu Đầu trại (ở phía Tây nơi hợp lưu sông Đỗ Chú với sông Chảy) đến Cao Mã Bạch (ở phía đông, nay thuộc xã Cao Mã Pờ huyện Quản Bạ), vòng xuống phía nam tổng Tụ Long.

Đường biên giới theo công ước Pháp Thanh 1887 đi như sau:

  • Từ điểm hợp lưu của sông Đổ Chú với sông Chảy, phía bờ trái sông, vị trí lúc đó có tên gọi là Câu Đầu trại (拘頭寨), biên giới chạy thẳng theo hướng từ tây sang đông kéo dài khoảng hơn 50 dặm tức khoảng 22 km (hơn 20 km), đến điểm hợp lưu của 2 dòng suối nhỏ chảy từ đông sang (điểm này trên bản đồ thuyết minh cho Công ước được ký hiệu là PQ nằm ở phía tây làng Nam Đan (南丹) có lẽ thuộc xã Tụ Hòa) tạo thành một nhánh bên trái của chi lưu thứ 2 (bên bờ phải) của sông Chảy. Chi lưu thứ 2 này của sông Chảy ngày nay có tên Trung Quốc là Bái Hà (白河). Đoạn biên giới thẳng theo hướng tây-đông dài khoảng hơn 20 km này cắt các xã Tụ Nghĩa (聚義社 (tên Việt Nam)), Tụ Mỹ (聚美社 (tên Việt Nam)) của tổng Tụ Long, và xã Nghĩa Phì (義肥社 (tên Việt Nam)) của tổng Mục Hà, sang cho Trung Quốc. Việt Nam còn giữ lại được ở ngay phía nam đoạn biên giới này xã Hữu Bằng (有憑社 (tên Việt Nam)) của tổng Tiên An.
  • Từ điểm Q biên giới quay ra chạy thẳng theo hướng đông nam thêm khoảng 15 dặm tức khoảng 6 km, đến điểm R ở phía nam làng Nam Đan (có lẽ điểm R nằm trùng trên biên giới ngày nay), rồi từ R chạy theo hướng đông bắc, bao quanh phía bắc rồi phía đông của các làng Man Mỹ (縵美) của xã Tụ Hòa, thôn Mường Động Thượng (猛硐上村), (thôn Mường Động Sơn (猛硐山村), thôn Mường Động Trung (猛硐中村), thôn Mường Động Hạ (猛硐下村) của xã Phấn Vũ (Mường Động là tên Việt Nam của Mãnh Động). Các thôn này sau công ước tạm còn thuộc Việt Nam. Đoạn này cắt làng Nam Đan cho Trung Quốc. Các xã Bình Di, Tụ Long, Tụ Thành nằm xa về phía bắc biên giới cũng thuộc về Trung Quốc.
Biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng thời điểm năm 1889, giữa các công ước Pháp Thanh 1887 và 1895. (Khu vực Lào Cai-Hà Giang nơi có vùng Tự Long, biên giới chạy thẳng ngang theo hướng đông -tây).